Mục tiêu của thành phố Hà Nội, đến hết năm 2015, 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó phấn đấu có 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (100 lít/ người/ngày). Tuy nhiên so với mục tiêu đặt ra, kết quả đạt được và kinh phí đầu tư cho chương trình còn ở mức rất hạn chế
Ngoại thành vẫn "khát" nước sạch
Nhiều năm nay, nguồn nước sạch luôn là niềm khao khát của nhiều người dân sống ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Không chỉ thiếu nước trầm trọng, triền miên vào mùa khô, mà ngay cả mùa mưa, người dân vẫn phải sử dụng nước ở kênh mương, ao, hồ bị ô nhiễm. Nỗi lo về bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh luôn ám ảnh người dân và làm đau đầu những người có trách nhiệm.
Trạm cấp nước Thanh Oai bị bỏ hoang.
Thiếu nước sạch…
Người dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì hiện nay vẫn phải gạn từng gáo nước giếng khơi, ao tù, kênh mương để sử dụng khó khăn, thiếu thốn đã bao nhiêu năm nhưng… Nhìn nguồn nước, không ai có thể nghĩ đó lại là nguồn nước mà bà con nơi đây vẫn sử dụng hằng ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Chu Anh Tuấn cho biết: "Mấy chục năm nay chúng tôi vẫn "sống nhờ" vào nguồn nước đó. Chỉ mỗi nước uống là từ nguồn nước mưa trữ được". Mặc dù biết nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, song người dân vẫn phải sử dụng, vì không còn nguồn nước nào khác. Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã mua nước của những người bán rong với giá khá đắt đỏ, từ 70-100 nghìn đồng/m3. Thống kê chưa đầy đủ, khoảng 50% dân số ở Phú Sơn phải mua nước sạch để sử dụng, trung bình một hộ mua từ 4-6m3 nước sạch/tháng. Những gia đình có việc ma chay, cưới hỏi phải mua nước nhiều hơn. Điều đáng nói, nguồn nước trôi nổi này có "sạch" hay không rất khó kiểm soát. Anh Phùng Nghĩa Phong, ở xóm Tả, thôn Phú Hữu, xã Phú Sơn tâm sự: Gia đình anh cấy 6 sào lúa, năm nào mưa thuận, gió hòa năng suất đạt 2,4 tấn thóc, tính theo giá thị trường được khoảng 15-17 triệu đồng. Với khoản thu nhập này nuôi 4 miệng ăn đã khó khăn, vậy mà hằng năm gia đình vẫn phải dành từ 2 đến 2,5 triệu đồng để mua nước sạch. Các hộ kinh tế khó khăn thì đào hố trong vườn rồi đổ cát và bơm nước sông Đà, nước kênh mương thủy lợi, ao hồ vào cho nước thẩm thấu xuống giếng khơi để dùng ăn uống, tắm giặt... Theo ông Chu Văn Phượng, cán bộ Văn phòng UBND xã Phú Sơn, nước sạch đã trở thành thứ hàng hóa xa xỉ đối với khoảng 9.000 nhân khẩu nơi đây. Cả xã có tới 60-70% dân số thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, một số thôn lên tới 80% dân số...
Thực trạng trên cũng diễn ra ở nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội. Tại huyện Thạch Thất, có tới 80% dân số trên địa bàn các xã Chàng Sơn, Phùng Xá... đã phải chịu cảnh thiếu nước sạch trầm trọng hơn chục năm qua, cả trong mùa khô và mùa mưa. Hiện ở các địa phương này có 60-70% số hộ phải mua nước, với giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/xe (4 khối nước). Để tiết kiệm nước, nhiều hộ dân ở đây phải tận dụng nước rửa rau để rửa chân tay; có gia đình chứa nước trong chum vại để tắm, rồi dùng nước tắm để giặt quần áo. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, không riêng huyện Thạch Thất, Ba Vì, chính quyền và người dân các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ đã nhiều lần kiến nghị về nhu cầu được sử dụng nước sạch, nhưng vẫn chưa được giải quyết...
… nhưng công trình vẫn "đắp chiếu"
Xác định nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VS MTNT) là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng 123 công trình cấp nước sạch phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành. UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt chương trình cấp NS&VSMTNT giai đoạn 2009-2020, quy hoạch cấp NS& VSMT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2013-2015. Đây là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu NS&VSMTNT hằng năm.
Trong 5 năm qua, chương trình đã đạt được những kết quả ban đầu, song so với mục tiêu thành phố đặt ra còn rất hạn chế, khiến không ít người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch. Nhiều công trình nằm "đắp chiếu" do xây dựng dở dang hoặc quản lý, vận hành kém hiệu quả, chủ yếu tập trung ở các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm... Do lâu ngày không đưa vào sử dụng, vận hành, bảo dưỡng nên hầu hết máy móc, trang thiết bị của các công trình bị hư hỏng nặng, nhiều hạng mục xuống cấp không còn khả năng sử dụng. Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung hiện cũng bộc lộ nhiều tồn tại như trình độ nhân công quản lý, vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn nghèo nàn. Giá tiêu thụ nước chưa được tính đúng, tính đủ do thu không đủ chi, dẫn đến thiếu kinh phí phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, các công trình bị xuống cấp nhanh, chất lượng nước không bảo đảm cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch nông thôn...
10 năm tìm nước sạch cho người nghèo
Từ năm 2004, đến nay dự án nước sạch và bảo tồn nguồn tài nguyên nước giải quyết tình trạng thiếu nước sạch của bà con ở nhiều địa phương khó khăn; đồng thời cải thiện sức khỏe của người dân nơi đây.
Các dự án cung cấp nước sạch và bảo tồn nguồn tài nguyên nước ngọt đã được triển khai tại 7 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Trà Vinh là các địa phương đã được ban tổ chức phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xây dựng các đường ống dẫn nước, khoan giếng, lắp đặt hệ thống lọc nước cho hộ gia đình khó khăn để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, chương trình cũng phối hợp cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
Tính đến năm 2013, gần 50.000 người dân đã được hưởng lợi từ chương trình “Nước sạch cho cộng đồng” trong suốt 10 năm qua. Không chỉ giúp bà con vùng ven, vùng nông thôn có nước sạch để sử dụng, phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, dự án còn thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức giúp người dân về vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh về mắt, da liễu, tiêu hóa… Bà Đặng Thị Nuôi (58 tuổi, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), một trong số các hộ gia đình hưởng lợi từ dự án năm 2011 cho biết: “Ngày xưa tôi đun nước bao giờ cũng có cặn ở đáy, nước vẫn bị đục dù có lọc qua vài lần, nhưng không có nước thì cũng phải dùng thôi. Mấy năm nay, nhờ có giếng khoan sâu và hệ thống lọc nước mà nước giờ trong veo, ai cũng an tâm hơn rất nhiều”.
“Gia đình tôi dùng hệ thống
máy lọc nước của dự án được hơn nửa năm. Thiết bị dễ sử dụng, lọc nước kĩ và sạch nên gia đình tôi yên tâm hơn rất nhiều. Người nghèo như chúng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối lo miếng ăn, nước thì toàn cặn nhưng cũng không biết làm sao. Nay có nước sạch để dùng, thật không có gì mừng hơn”, bà Vũ Thị Sàng (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ.
Chương trình do Coca-Cola phối hợp cùng chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức phi chính phủ của Việt Nam tổ chức. Suốt 10 năm qua, Coca-Cola đã chi hơn 50 tỷ đồng cho các dự án nước sạch và bảo tồn tài nguyên nước ngọt trong. Riêng năm 2013, hãng này đã đóng góp gần 10 tỷ đồng, bao gồm chương trình mang nước sạch cho cộng đồng: lắp đặt đường ống dẫn nước tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị), quận Thủ Đức (TP HCM), khoan giếng, trang bị máy lọc nước cho người dân huyện Thường Tín (Hà Nội); hỗ trợ dự án xây dựng chiến lược quản lý thủy văn tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp), giúp lưu giữ và lọc nước ngọt, khôi phục môi trường sống tự nhiên cho các loài quý hiếm, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.